Trại rắn Đồng Tâm

Trung Tâm nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu - Cục Hậu cần - Quân khu 9 / Trại rắn Đồng Tâm được thành lập ngày 27/10/1977

Trại rắn Đồng Tâm - Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Trại rắn Đồng Tâm - Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Cục Hậu cần/ QK9 (Trại rắn Đồng Tâm) nằm trên địa bàn xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho 9km về hướng Tây trên bờ sông Tiền. 

ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI ĐỘC ĐÁO, HẤP DẪN Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Cục Hậu cần/ QK9 (Trại rắn Đồng Tâm) nằm trên địa bàn xã Bình Đức, huyện Châu Thành, cách thành phố Mỹ Tho 9km về hướng Tây trên bờ sông Tiền. Trại rắn được thành lập ngày 27/10/1977. Với tên “Trại rắn” đã gắn với nhiệm vụ nuôi bảo tồn quỹ gen các loài rắn độc quí, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, để nghiên cứu khai thác sản phẩm sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. 

 

Hơn 40 năm xây dựng phát triển và trưởng thành, với nhiều bước đi thăng trầm, Trại rắn ngày càng khẳng định được sự đúng đắn của chủ trương ngay những ngày đầu thành lập. Vượt qua bao khó khăn Trại rắn đã phát triển cả về qui mô và thành tích với nhiều tên gọi khác nhau. Khi mới thành lập chỉ là Đội nuôi trồng dược liệu với diện tích 0,5 ha, rồi là Trại rắn Đồng Tâm, Xí nghiệp 408, tháng 9/1998 được Bộ Quốc phòng đổi phiên hiệu là Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu (gọi là Trung tâm); với chức năng nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học, điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất thuốc y học dân tộc, bảo tồn cây con thuốc kết hợp với du lịch sinh thái.  Với tinh thần say mê, nhiệt huyết, yêu nghề của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, Trung tâm luôn khắc phục mọi khó khăn, đối đầu với sự nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng để nghiên cứu, tìm hiểu về tập tính, sinh lý, sinh thái của các loài rắn độc. Từ đó, đưa chúng từ môi trường sống hoang dã về sống, phát triển và sinh sản trong môi trường bán hoang dã tại Trung tâm; khai thác sản phẩm, sản xuất nhiều loại thuốc phục vụ sức khỏe bộ đội và nhân dân là một bước tiến đáng kể. Đây là việc làm mang tính khoa học, để bảo tồn bền vững nguồn gen đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, là một hướng đi đúng đắn trong việc bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã ở nước ta hiện nay.    

Qua nhiều năm thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã có nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở, các các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đều có tính thực tiễn trong bảo tồn và sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe được Hội đồng Khoa học các cấp đánh giá cao. Trung tâm được biên chế khoa điều trị rắn cắn qui mô 20 giường bệnh, với chức năng nhiệm vụ cấp cứu và điều trị cho bộ đội và nhân dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng trên dưới 2.000 nạn nhân đến điều trị với kết quả khỏi ra viện 100%. Bệnh nhân đến đều trị tại Trung tâm được miễn tiền viện phí, tiền làm các thủ thuật và khám bệnh. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức tập huấn sơ cấp cứu rắn cắn cho các cơ sở y tế địa phương, các công ty, đơn vị, khách tham quan khi có yêu cầu. Qua đó, mọi người biết cách tự sơ cứu mình hoặc giúp người khác không may khi bị rắn cắn. Hiện nay, Trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng thuốc có nguồn gốc từ trăn và rắn như: cao trăn, rượu rắn tam xà, ngũ xà… có tác dụng chữa các bệnh đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi, suy kiệt ở người già; mỡ trăn có tác dụng chữa bỏng, nứt nẻ da; viên nang rắn lục có tác dụng giảm đau trong thoái hóa đốt sống lưng; mật ong nguyên chất có tác dụng bồi bổ cơ thể; thuốc kem xoa ngoài da Cobratoxan với hoạt chất chính là nọc rắn hổ mang chữa các bệnh như: đau nhức xương khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp, đau khớp ở người lớn tuổi, đau khớp, mỏi cơ do chơi thể thao…  Trong thời gian qua, Trung tâm nuôi bảo tồn nhiều loài rắn độc quí hiếm nằm trong sách đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng ở ngoài thiên nhiên như: rắn hổ chúa, rắn hổ đất, cạp nong, cạp nia và nhiều các loài động vật quí hiếm khác. Trong đó có hai loài rắn: rắn hổ chúa và rắn hổ đất nằm trong chương trình bảo tồn nguồn gen của quốc gia, phục vụ cho học tập và nghiên cứu của học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về bò sát trong và ngoài nước. 

 

Ngoài ra, Trung tâm còn nuôi những loài thú khác như: hổ, gấu, vượn, khỉ, cầy mực, đà điểu… đặc biệt với những chú cá Hải tượng dài 2m nặng 30kg bơi lội tung tăng trong hồ nước trong xanh. Đây là cơ hội tốt đối với các em học sinh trong dịp hè đến vui chơi và tìm hiểu về các loài động vật hoang dã.  Trại rắn đang là một điểm du lịch hấp dẫn, với những vườn cây ăn trái trĩu quả thơm ngát, tạo nên một khu du lịch sinh thái miệt vườn mang đặc trưng sông nước của miền Tây Nam Bộ. Đến với Trại rắn du khách sẽ được tìm hiểu tập tính, đời sống sinh lý, sinh thái của các loài rắn, được tận mắt ngắm nhìn những chú rắn dài, to lớn…Du khách có thể vuốt ve hoặc khoác lên cổ một chú trăn to lớn để chụp tấm ảnh làm kỷ niệm sau một chuyến đi du lịch, hoặc khi có dịp sẽ tận mắt thấy việc khai thác nọc rắn của các chuyên viên tại đây.  Trung tâm có khuôn viên sạch sẽ, thoáng mát, sân chơi rộng rãi rất hợp với việc tổ chức vui chơi trại hè của học sinh, sinh viên vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt, có nhà Bảo tàng rắn. Nơi đây đã quy tụ được trên 40 tiêu bản các loại rắn của Việt Nam phục vụ cho tham quan, học tập và nghiên cứu, được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2005 “Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam”. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Trung tâm đã đạt nhiều thành tích đáng kể, nhiều năm liền đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. 

Trung Tâm nhận được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh trên địa bàn đóng quân, của Quân khu, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Đặc biệt, Trung tâm vinh dự được đón tiếp các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến thăm. Năm 1989, Trung tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.  Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới Đảng ủy - Ban Giám đốc Trung tâm luôn đoàn kết thống nhất, đổi mới tư duy trong lãnh đạo và quản lý, xây dựng Trung tâm phát triển về mọi mặt trong đó có du lịch. Xây dựng khu du lịch sinh thái của Trung tâm ngang tầm với các khu du lịch trong khu vực, nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tốt cơ sở hạ tầng để phục vụ khách tham quan, tăng cường quảng bá hình ảnh đến với du khách. Đồng thời, đưa Trung tâm vào các tour của tỉnh, các công ty, lữ hành… với nhiều chính sách ưu đãi. 

Với hơn 40 năm xây dựng, phát triển, thương hiệu “Trại rắn Đồng Tâm” đã trở thành một điểm du lịch sinh thái độc đáo, đặc thù ấn tượng cho tỉnh Tiền Giang nói riêng và cho du lịch Việt Nam nói chung. Trại rắn đã được nhiều du khách trong nước, quốc tế biết đến và tìm về.   

 


Tin liên quan