Sản phẩm Rượu chuốt hột 29o
Nhằm phát huy phương châm tốt đẹp Đông – Tây y kết hợp cứu chữa cho bộ đội và nhân dân trong thời kỳ kháng chiến, nhất là cứu chữa cho những nạn nhân bị rắn độc cắn, cuối mùa mưa năm 1977 Đội nuôi trồng dược liệu Quân khu 9 được thành lập theo quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đứng chân tại Đồng Tâm, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Khi mới thành lập vốn liếng của Đội là 3 con rắn hổ mang đất được chính thầy rắn Tư Dược bắt được (Anh hùng lao động – Đại tá – Bác sĩ Trần Văn Dược), chục tấm lợp bằng tôn, một số cây tràm, tầm vông (để dựng nhà tạm), ba tấm ván xuồng be tám (để làm sạp ngủ), bộ đồ “nhà bếp đa năng” (dùng cho cả đun, nấu, chiên, hầm), mấy cây đèn dầu để tạo nguồn sáng trong đêm.
Vũ khí trong tay lúc này của những người lính quân y trên mặt trận mới không phải là súng đạn, y cụ, thuốc men mà là dao, cuốc, leng, phảng, họ dốc sức lực cải tạo một khu vực rộng lớn, hoang hóa, đầy trái nổ, mìn gài, kẽm gai, chông bẫy, rắn, rết, lau sậy, tranh đế… cách phía tây thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 10km.
Với bản lĩnh, tin thần người lính và truyền thống “kiên cường bám trụ”, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Tư Dược, toàn Đội xây dựng quyết tâm “vượt nắng thắng mưa”, bám chắc trận địa, dần dần từng bước khai phá vùng đất hoang hóa. Tính thận trọng của nghề y đã tôi luyện, đúc rèn nên tác phong cẩn trọng, tỉ mỉ trong hành động giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong Đội kiên trì dò tìm từng tất vuông cả trên bề mặt và lòng đất, dọn sạch chông mìn, vật liệu nổ mà không để xảy ra tình huống đáng tiếc nào. Đến cuối năm 1977 diện tích đất sạch đã là 0,5 ha. Thắng lợi bước đầu càng cổ vũ anh em toàn Đội lao thẳng vào công việc. Nhằm đẩy mạnh phong trào tăng gia trong các đơn vị khi điều kiện cho phép và cũng là một trong những biện pháp kiểm tra, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong khai hoang, phục hóa sau chiến tranh; Cục Hậu cần Quân khu đã cấp kinh phí và khuyến khích các đơn vị tổ chức chăn nuôi trâu bò, gia súc, gia cầm nơi đơn vị đóng quân. Đội nuôi trồng dược liệu được Cục Hậu cần cấp cho một số tiền đủ mua 3 con bò để chăn thả nơi vùng đất mới và chính chúng đã góp phần đắc lực kiểm tra độ “sạch” của diện tích đất được khai phá, bảo đảm cho Đội triển khai thuận lợi nuôi trồng dược liệu buổi ban đầu. Ba con rắn với nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên hoang dã, được chăm sóc chu đáo nên tăng trưởng nhanh, lột da liên tục. Một số cây dược liệu như sả, bạc hà, hương nhu, gừng, nghệ, đinh lăng… được chăm sóc phát triển tốt.
Nhiệm vụ ban đầu là nuôi trồng dược liệu thí điểm, nhiệm vụ chủ yếu là nhân giống, phát triển đàn, mở rộng diện tích nuôi rắn, trăn, ong, hươu, khỉ. Theo thời gian với trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh của người lính cụ Hồ, Đội nuôi trồng dược liệu Quân khu 9 đã từng bước thay đổi trở thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, khai thác, bảo tồn, lưu giữ những cây và con thuốc quý hiếm phục vụ nền y học cổ truyền, nơi cấp cứu, điều trị rắn độc cắn, là điểm tham quan học tập về dược liệu không những khách trong nước mà còn cả khách quốc tế và được mọi người gọi với tên thân thương là Trại rắn Đồng Tâm.
Để được nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn, mở rộng quy mô phục vụ được nhiều người dân hơn, khai thác hiệu quả hơn đối với nguồn dược liệu và phương thuốc quý hiếm, Trung tâm đã thành lập HỘ KINH DOANH CƠ SỞ SẢN XUẤT RƯỢU TRẠI RẮN ĐỒNG TÂM vào tháng 8 năm 2013, các bài thuốc từ rắn, rượu tam xà, ngũ xà, rượu rắn ngâm, rượu chuối ngâm. Sản phẩm rượu: RƯỢU CHUỐI HỘT 29o.