Trại rắn Đồng Tâm

Trung Tâm nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu - Cục Hậu cần - Quân khu 9 / Trại rắn Đồng Tâm được thành lập ngày 27/10/1977

Trại rắn Đồng Tâm mỗi năm chữa trị trên 1.000 ca rắn cắn

Trại rắn Đồng Tâm mỗi năm chữa trị trên 1.000 ca rắn cắn

(PLO)- Mỗi năm Khoa Điều trị rắn cắn thuộc Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) tiếp nhận và chữa trị cho trên 1.000 ca rắn cắn. 

Tại Khoa Điều trị rắn cắn của Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu - Cục Hậu cần Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm) mỗi năm tiếp nhận và chữa trị  trên 1.000 ca rắn cắn, cá biệt có năm số người bị rắn cắn đến chữa trị tại trung tâm lên đến 1.800 ca.

Trong đó có khoảng 70% là rắn độc cắn. Đa số các nạn nhân bị rắn cắn đến từ nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, … Nhiều nhất là người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trung bình mỗi năm chiếm từ 650-700 ca.

Trại rắn Đồng Tâm mỗi năm chữa trị  trên 1.000 ca rắn cắn - ảnh 1

Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tâm - Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm tận tình chữa trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. Ảnh: ĐH

Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tâm - Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm cho biết, vào mùa mưa rắn xuất hiện nhiều ở các tỉnh ĐBSCL. Và đây là nguyên nhân chủ yếu khiến số người bị rắn cắn vùng này gia tăng mạnh vào thời điểm này. Đặc biệt nếu bị các loại rắn độc như: Rắn hổ mang, rắn lục đuôi đỏ, rắn cạp nong, rắn cạp nia, hổ lửa cắn nếu không được đưa đi cấp cứu, chữa trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Tâm, điểm cốt yếu trong việc điều trị rắn cắn là phải xác định được loại rắn nào cắn để chữa trị kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc rắn đó và khả năng chữa khỏi là hoàn toàn.

Theo đó, mỗi năm vào mùa mưa Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm tiếp nhận và điều trị khoảng 600 – 700 ca. Các nạn nhân bị rắn cắn được đưa đến cơ sở kịp thời và được điều trị bằng thuốc kháng huyết thanh kháng nọc rắn nên hầu hết các trường hợp bị rắn cắn đều được cứu sống và sớm phục hồi sức khỏe, không có trường hợp tử vong.

Trại rắn Đồng Tâm nơi nuôi và bảo tồn nhiều loài rắn. Ảnh: ĐH

Trại rắn Đồng Tâm nơi nuôi và bảo tồn nhiều loài rắn. Ảnh: ĐH

“Để đề phòng rắn độc cắn, bà con nên hạn chế đi đến những nơi có cây, cỏ rậm rạp. Nếu cần thiết đến những nơi đó thì nên phải có dụng cụ bảo hộ và khi đi cần dùng gậy để xua đuổi rắn. Không bắt rắn nếu không biết rắn đó là loại rắn gì và tuyệt đối không được bắt rắn nếu biết đó là rắn độc..” – bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Bác sĩ Tâm cũng khuyến cáo trường hợp người dân bị rắn cắn thì nên hết sức bình tĩnh chú ý xem đó là loại rắn gì. Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí bước đầu vết cắn, và nhanh chóng đến cơ sở y tế  điều trị rắn cắn để được chữa trị kịp thời. Tuyệt đối không nên đắp vào vết cắn bất cứ loại lá cây hay cỏ dại vì rất có thể dễ dẫn đến bị nhiễm trùng và làm mất thêm thời gian để được cấp cứu.

Trường hợp người dân sau khi bị rắn cắn nếu đập chết được con rắn đó thì nên mang xác con rắn đến cơ sở y tế để giúp các bác sĩ biết chính xác đó là loại rắn gì để dùng kháng huyết thanh kháng nọc rắn đó điều trị.  

Trại rắn Đồng Tâm mỗi năm chữa trị  trên 1.000 ca rắn cắn - ảnh 3

Nhiều loại rắn được nuôi tại Trại rắn Đồng Tâm. Ảnh: ĐH

Ngoài chữa trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm còn được biết đến là “bảo tàng” rắn đầu tiên ở Việt Nam. Nơi đây nuôi và bảo tồn nhiều chủng loại rắn khác nhau: rắn lục, rắn hổ, cạp nong (mai gầm), cạp nia (mai bạc),…Trong đó bảo tồn 2 loài rắn: Rắn hổ mang đất và hổ mang chúa là những loại rắn độc được xếp trong sách đỏ Việt Nam.

Ở đây, việc nuôi và bảo tồn các loài rắn còn nhằm mục đích là nuôi rắn lấy nọc cung cấp cho Viện vắc- xin và sinh phẩm Y tế (thuộc Bộ Y tế, cơ sở đóng tại Nha Trang) sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn điều trị rắn cắn. Mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1-2 giọt nọc/con.

Với 10g (gam) nọc rắn có thể điều chiết một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước mỗi năm.


Tin liên quan

Chưa có bài viết nào